Rút ngắn thời gian đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa CNTT

Đánh giá bài viết

Thông tư mới của Bộ TT&TT đã rút ngắn thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa CNTT còn không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thay vì 10 ngày như quy định cũ.

Bộ TT&TT mới đây đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-BTTTT (Thông tư 15) sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2011/TT-BTTTT về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông.

Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành và/hoặc tiêu chuẩn do Bộ TT&TT quy định bắt buộc áp dụng (gọi chung là quy chuẩn kỹ thuật) nhằm bảo đảm tính tương thích của sản phẩm trong kết nối, an toàn mạng viễn thông quốc gia, an ninh thông tin, bảo đảm các yêu cầu về tương thích điện từ trường, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện, an toàn cho con người và môi trường, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân công bố với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng về sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng sau khi thực hiện quá trình đánh giá sự phù hợp.

Thông tư 15 của Bộ TT&TT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy được cấp trước ngày Thông tư 15 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến hết hiệu lực của Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.

Theo quy định tại Thông tư mới của Bộ TT&TT, một số quy định tại Thông tư 30 do Bộ TT&TT ban hành năm 2011 đã được sửa đổi. Cụ thể, về đơn vị đo kiểm phục vụ chứng nhận hợp quy, khoản 2 Điều 5 Thông tư 30 được sửa đổi, bổ sung thành: “Đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động công bố hợp quy là đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận hoặc đơn vị đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định 107 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp”.

Bên cạnh đó, với việc sửa đổi Điều 6 Thông tư 30, Bộ TT&TT đã quy định cụ thể hơn về Danh mục sản phẩm, hàng hóa và hình thức quản lý. Theo đó, Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT bao gồm: Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy; Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy.

Sản phẩm, hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy” phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Sản phẩm, hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy” phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy”.

Thông tư mới của Bộ TT&TT cũng quy định cụ thể hơn về phương thức chứng nhận hợp quy. Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo Phương thức 1 và Phương thức 5 nêu tại Điều 5 Thông tư 28 ngày 12/12/2012 của Bộ KH&CN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Cụ thể, phương thức 1 – Thử nghiệm mẫu điển hình áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu. Với phương thức 5 – Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất, phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý, theo quy định tại Thông tư 15 của Bộ TT&TT sẽ có hiệu lực từ năm 2019 sắp tới, thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa CNTT, truyền thông đã được rút ngắn. Cụ thể, thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy là không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này (quy định cũ tại Thông tư 30 của Bộ TT&TT là không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ ). Trường hợp không cấp giấy chứng nhận hợp quy, Tổ chức chứng nhận hợp quy có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận và nêu rõ lý do.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ đề nghị chứng nhận hợp quy (khoản 1 Điều 14 Thông tư 30), Thông tư mới của Bộ TT&TT còn sửa đổi, bổ sung cách thức nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận hợp quy. Theo đó, tổ chức, cá nhân nộp 1 bộ hồ sơ tới tổ chức chứng nhận hợp quy bằng cách: trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính tới địa chỉ của tổ chức chứng nhận hợp quy; qua Cổng thông tin điện tử của Cục Viễn thông đăng tải, hướng dẫn trên trang vnta.gov.vn.

Đồng thời, với việc sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông tư 30, Thông tư mới đã quy định cụ thể 4 trường hợp Giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực, đó là: Tên, ký hiệu, phiên bản của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi; Thiết kế kỹ thuật của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm; Không có kết quả đánh giá giám sát phù hợp theo quy định; Hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy.

Nguồn từ : Vân Anh

Bài viết liên quan

Hỗ trợ tư vấn miễn phí

Công ty làm dịch vụ uy tín
- Hotline: VIETPAT.VN