Kẽ hở trong kiểm soát chất lượng hàng hóa sản xuất ra chỉ để bán trực tuyến
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần khuyến khích người dân tự đem sản phầm hàng hóa đi giám định, kiểm nghiệm chất lượng nếu nghi ngờ về chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Việc này nhằm góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông, phân phối trên thị trường.
Theo bà Từ Thị Hồng An, quản lý cấp cao của Savills tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2017, doanh số bán lẻ của cả nước đã đạt mức 129 tỷ USD và tiềm năng của thị trường bán lẻ cả nước là rất lớn. Trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định. Song, khi thói quen mua sắm trực tuyến của người dân những năm gần đây đã tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, người dân phải thực hiện quy định giãn cách xã hội trong thời gian dài, thì hoạt động mua bán hàng trực tuyến tiếp tục lên ngôi, giành thị phần với bán lẻ truyền thống.
Nước yến sào đường phèn FIDINEST được công bố và ghi rõ trên bao bì với thành phần gồm: Nước, đường phèn, yến sào (15%), canxi, gôm gellan (E418), hương liệu dùng cho thực phẩm…
Tuy nhiên, thị trường này dường như đang có khoảng hở trong khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm bán ra, nhất là trong thời điểm nhà sản xuất được tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phầm đối với sản phẩm đã công bố theo quy định của Bộ Y tế. Thực trạng này khiến người tiêu dùng nhiều khi chỉ còn biết đặt niềm tin vào lương tâm, đạo đức của nhà sản xuất. Đặc biệt là đối với các loại sản phẩm hàng hóa là thực phẩm – mặt hàng mà người tiêu dung khó có thể nhận biết bằng mắt thường.
Theo trào lưu bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, thực phầm đã bỏ hẳn kênh phân phối truyền thống qua các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng tạp hóa. Toàn bộ hàng hóa, sản phẩm sản xuất ra chỉ phục vụ duy nhất kênh bán hàng trực tuyến. Hàng hóa, sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất đưa thẳng đến các kho của kênh phân phối trực tuyến để chờ bán cho người tiêu dùng, chứ không có mặt ngoài thị trường truyền thống, Do đó chức năng kiểm tra, giám sát phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng của các lực lượng chức năng cũng đã bị hạn chế.
Chế tài xử lý, thậm chí là xử lý hình sự đối với nơi bán hàng gian, hàng kém chất lượng cũng đã có, tuy nhiên lợi dụng kẽ hở từ quy định đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sản xuất ra, nếu bị lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm… phát hiện đơn vị bán hàng kém chất lượng trên kênh trực tuyến, các đơn vị này lập tức tìm cách đổ vấy cho nơi sản xuất để né tránh trách nhiệm. Khi đó chỉ người tiêu dùng là chịu khổ, chịu thiệt khi hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn sản phẩm đã được đưa vào miệng người sử dụng. Trách nhiệm của bên bán hàng đã trôi tuột mặc cho thiệt hại đã gián tiếp gây ra với người tiêu dùng.
Hàng hóa sản xuất đưa ra bán trên các kênh trực tuyến giúp giảm bớt được khâu trung gian, nhưng chức năng giám sát chất lượng hàng hóa, sản phẩm của người tiêu dùng cũng đã bị hạn chế đi. Ông Xuân Hòa, một người có nhiều năm kinh nghiệm về phát triển thị trường truyền thống trong lĩnh vực thực phẩm ở khu vực TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long chia sẻ kinh nghiệm: “Với kênh phân phối truyền thống, khi phát hiện chất lượng hàng hóa không đảm bảo, người dân sẽ la lên do dư luận biết hoặc lập tức thông báo đến lực lượng Quản lý thị trường hay Cảnh sát kinh tế ở địa phương. Nhưng với hàng hóa sản xuất ra chỉ để bán ở kênh trực tuyến, khi phát hiện sản phẩm hàng hóa trong kho bị hỏng hoặc kém chất lượng, chỉ cần nhà sản xuất và kênh bán hàng bắt tay xử lý sự cố trong im lặng để tránh gây mất uy tín cho cả hai bên, sẽ không có người tiêu dùng nào có thể biết. Ở TP Hồ Chí Minh, những năm qua Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã nhiều lần khuyến khích người dân tự đem sản phầm hàng hóa đi giám định, kiểm nghiệm chất lượng nếu nghi ngờ về chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Việc này nhằm góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông, phân phối trên thị trường. Nhưng không phải người dân nào cũng biết, cũng dám đứng ra làm để vạch mặt những đơn vị sản xuất, phân phối sản phẩm làm ăn gian dối”.
Hàng hóa được sản xuất xong đưa thẳng đến kho của các kênh bán hàng trực tuyến khiến việc kiểm tra, giám sát của lục lượng thực thi công vụ đã phần nào bị hạn chế. Đã vậy, các kênh bán hàng trực tuyến thường liên kết hoặc hợp tác mua sóng của nhà đài, nên muốn vào kho kiểm tra hàng hóa của các kênh bán hàng trực tuyến cũng không hề đơn giản với lực lượng thực thi công vụ. Với các lực lượng này, ngoài việc phải phụ thuộc vào số lần được vào kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp mỗi năm nếu không phát hiện bất thường, muốn lấy mẫu đi giám định khi có nghi ngờ còn phải kết hợp với ngành y tế địa phương. Đó là chưa kể kinh phí chi cho việc giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa cũng là vấn đề không đơn giản. Đây cũng là những lý do khiến việc phát hiện, xử lý, thậm chí là xử lý hình sự đối với các đơn vị sản xuất hàng hóa kém chất lượng, chất lượng thấp hơn nhiều so với mức công bố ở một độ thị lớn như TP Hồ Chí Minh thời gian qua rất ít. Việc xử lý đối với các doanh nghiệp mới chủ yếu tập turng ở hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Theo tieudung.vn